Từ ngày 18/3, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm còn 6%/năm (giảm 1%/năm so với trước), doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường này.
Lợi cho người mua nhà
Không chỉ hạ trần lãi suất tiền gửi, hàng loạt lãi suất chủ chốt của Ngân hàng (NH) Nhà nước như: tái cấp vốn, tái chiết khấu và cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NH Nhà nước đối với các NH đều giảm thêm 0,5%/năm. Đồng thời, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với nhu cầu vốn cho 5 lĩnh vực ưu tiên cũng giảm từ 9%/năm còn 8%/năm.
Lãi suất giảm mạnh mang lại cơ hội thuận lợi hơn cho ngành bất động sản. Ảnh: Hồng Thúy
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, nhận xét hạ lãi suất là tín hiệu đáng mừng đối với thị trường BĐS. Dù phải chờ độ trễ nhất định nhưng lãi suất đầu vào hạ sẽ giúp đầu ra giảm theo, DN BĐS vay vốn sẽ giảm chi phí vốn. Lãi suất vay tín dụng xuống thấp kích thích người dân mua nhà để ở, giúp thị trường BĐS hồi phục. Ngay cả người gửi tiết kiệm như một kênh đầu tư cũng có thể chuyển dòng tiền sang kênh khác hiệu quả hơn khi lãi suất hạ. Gửi tiền NH hưởng lãi suất 0,5%/tháng (6%/năm) so với việc mua chung cư rồi cho thuê với suất sinh lợi 0,8%/tháng sẽ khiến người dân suy nghĩ tìm kênh đầu tư.
Ở góc nhìn khác, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành, cho rằng hạ lãi suất chỉ có ý nghĩa với người vay mua nhà. Lãi suất thấp kích thích người dân mua nhà nhiều hơn, từ đó tác động lan tỏa với thị trường BĐS ở một vài phân khúc. Còn với DN BĐS, hạ lãi suất không mang nhiều ý nghĩa bởi thực tế, khoản vay trung dài hạn của Lê Thành từ nhiều tháng qua vẫn phải gánh lãi suất 14%/năm. "Hạ lãi suất đầu vào nhưng đầu ra thì chưa chắc bởi các NH hiện chỉ ưu tiên cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên và cho vay ngắn hạn. Ngược lại, DN BĐS phải đầu tư dự án nên các khoản vay trung hạn dài vẫn phải chịu lãi suất rất cao" - ông Nghĩa nói.
Tác động sẽ lớn hơn
Theo nhiều DN BĐS, nếu so với gói 30.000 tỉ đồng cho DN và người vay mua nhà với lãi suất 5%/năm trong vòng 10 năm, tác động của đợt hạ lãi suất lần này còn lớn hơn. Thống kê mới nhất của NH Nhà nước đến hết tháng 2-2014, các NH đã cam kết cho vay đối với 2.704 khách hàng với tổng số tiền cam kết đạt 2.714 tỉ đồng. Trong đó đã giải ngân cho 2.673 khách hàng với tổng dư nợ 1.206 tỉ đồng. Qua gần 9 tháng triển khai, tốc độ giải ngân của gói tín dụng này chỉ mới được 4%. "Tại TP HCM, hiện chỉ có vài DN được vay để xây dựng nhà ở xã hội, trong khi nếu hạ lãi suất 1%/năm áp dụng cho khoảng 1.000 DN BĐS trên địa bàn thành phố tác động sẽ lớn hơn nhiều" - ông Đực phân tích thêm.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 3-2014, NH HSBC Việt Nam cho rằng tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm này vẫn âm cho thấy hệ thống NH sẽ còn đóng băng trừ khi những cải cách thực sự quan trọng được tiến hành để giải quyết vấn đề nợ xấu. Nguồn vốn tiền đồng dư thừa trong hệ thống phản ánh nhu cầu vay thấp. Việc giảm lãi suất huy động tiền đồng và giảm lãi suất tái cấp vốn là nỗ lực của NH Nhà nước để hỗ trợ nền kinh tế. "Lãi suất không phải là thủ phạm đứng đằng sau hiện tượng tăng trưởng tín dụng trì trệ. Cắt giảm lãi suất sẽ không ảnh hưởng lớn đến việc tăng trưởng cho vay một khi các khoản nợ xấu vẫn còn chưa được giải quyết" - HSBC phân tích.
Nguồn: http://www.24h.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét