Sự tích nhà táng ba gian
Để tìm hiểu về nguồn gốc của nhà táng ba gian chúng tôi tìm gặp cụ Vi Văn Lệ năm nay 74 tuổi người có thâm niên hàng chục năm làm nhà táng. Cụ cho biết: "Tôi học cách làm nhà táng từ năm lên 14, đến nay cũng làm qua cả chục cái rồi".
Với quan niệm khi con người chết đi họ sẽ sang thế giới bên kia tiếp tục cuộc sống mới. Vì thế người Nùng thường chuẩn bị cho người chết mọi thứ cần thiết cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Ngoài quần áo, tư trang và một số vật dụng thông thường người chết từng sử dụng khi còn sống, người ta còn phải chia thêm của cải thông qua một số đồ mã và hiện vật mang tính tượng trưng khi họ qua đời. Nhưng cái quan trọng hơn cả là ngôi nhà táng người chết mang theo để ở khỏi bị lạc lõng giữa chốn địa linh.
Cụ Lệ cho biết ngôi nhà táng ba gian gắn với một câu chuyện cổ tích. Cụ kể rằng ngày xưa trong bản có anh Hến nhà rất nghèo khi cha mẹ qua đời không có tiền ma chay anh Hến đã bán đất bán nhà nhưng vẫn không lo đủ. Khi ấy Già làng thương tình nhà Hến hiền lành lương thiện, luôn giúp đỡ người khác dù cuộc sống họ nghèo khổ thiếu thốn. Già mới gọi dân bản cùng nhau gom góp mỗi người một thứ có sẵn trong nhà để giúp đỡ cho Hến.
Nhà táng ba gian của người bản Nùng
Cuối cùng những thứ mọi người góp lại nhiều nhất là giấy bản - giấy màu, khoai sắn, cây củi, tre nứa. Khi ấy người ta mới phát hiện ra đây chính là những vật dụng dùng làm nên nhà táng. Do nhà Hến có ba người dân bản đã làm nhà ba gian để sau này cả gia đình luôn đầy đủ hạnh phúc bên nhau. Họ cũng làm chuồng trâu, chuồng gà, vườn rau… với mong muốn những người tốt sẽ có được cuộc sống no đủ. Sau khi mai táng cho cha mẹ Hến được cha mẹ báo mộng cuộc sống bên kia rất đầy đủ rằng Hến yên tâm không phải lo cho họ nữa.
Từ đó đến nay trong bản cứ có người mất là người dân lại tập trung tự làm nhà táng ba gian nhiều tầng sang trọng với mong muốn cuộc sống giàu sang sung túc.
Cách làm nhà táng mang nhiều sắc thái dân gian
Tất cả các vật dụng để làm nhà táng đều có sẵn trong tự nhiên. Mỗi người một việc, người thì lấy cây tre, người thì chẻ cây nứa, thoăn thoắt đã hình thành cái khung nhà.
Chia sẻ về ý nghĩa của nhà táng cho người âm, anh Vi Văn Thượng cho biết: "Nhà táng rộng 1,6m dài 2,5m để ô trống ở giữa để chụp lên quan tài. Mỗi bên có 5 cây vì số 5 có nghĩa là "sinh". Hai bên cộng lại là 10, số 10 có nghĩa là "thành" hàm ý là tưởng nhớ công ơn sinh thành".
Người lớn tuổi đã làm lâu năm thì kẻ giấy, cắt hoa văn, người thì dán giấy bản lên khung trước theo chỉ đạo của những người có kinh nghiệm.
Hồ keo được dân bản chế tạo từ bột sắn rừng, bột gạo nếp nấu chín nhưng vẫn đảm bảo độ kết dính. Để trang trí nhà táng, nguyên liệu chủ yếu là những bông hoa mặt trời, mặt trăng và chim én cắt bằng giấy màu. Theo quan niệm của người dân nơi đây, nhưng hoa văn đẹp mắt này đều tượng trưng cho những điều tốt lành nhất. Đặc biệt, nước vôi trong được dùng để kẻ những đường trang trí màu đen - trắng cho mái ngói ngôi nhà táng, ý chỉ tang gia.
Khi làm xong người nhà và thầy mo sẽ đến kiểm tra thu nhận rồi họ thắp hương làm lễ để mang nhà táng về chụp lên quan tài đưa ra đến mộ hỏa táng.
Tìm hiểu thêm về tín ngưỡng của người Nùng nơi đây chúng tôi được biết bên họ nhà chồng của con gái và cháu gái người chết cũng tự làm những "cây hoa tiền" bằng giấy rất lộng lẫy. Khi làm lễ dâng hoa, ai cũng muốn hoa của mình đẹp nhất với dụng ý thể hiện sự thiếu thuận với cha mẹ, ông bà đồng thời mong muốn tạo nên "vườn hoa, cây cảnh" hấp dẫn ở cõi âm để linh hồn người chết có thể an bài.
Truyền thống tự làm nhà táng của người Nùng mang nhiều sắc thái ý nghĩa riêng biệt. Họ tự tay làm sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí lớn theo đó cũng là dịp người còn sống báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà cha mẹ, cha mẹ.
Nhưng theo cụ Lệ trăn trở thì nhà táng "ba gian" của người bản Nùng đang có nguy cơ bị mai một do chỉ còn ít bộ phận giới trẻ trong bản theo học cách làm.
khung nhà táng làm bằng tre nứa
Những hoa văn sắc màu được người khéo tay cắt dán
Người nhà làm lễ để nhận mang nhà táng về chụp lên quan tài
Người nhà và họ hàng cắm nhanh xung quanh để tỏ lòng thành kính.
Người Nùng làm lễ lần cuối cùng để hỏa táng nhà táng cho cha mẹ
Nguồn: http://www.24h.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét