Thời điểm hoa sen nở, người dân xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) lại rủ nhau đi bắt ốc bươu đen. Đây là nghề đem lại thu nhập khá nhưng cũng đầy nhọc nhằn, hiểm nguy, nhất là đối với phụ nữ.
Phải hẹn nhiều lần, tôi mới được bà Nguyễn Thị Tri (64 tuổi, ở thôn An Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) đồng ý dẫn đi bắt ốc bươu đen.
4 giờ sáng, trời còn hơi sương, đường tối mịt, tại nhà bà Tri đã có 3 người chuẩn bị lên đường. Đồ nghề để bắt ốc bươu đen là một chiếc thau nhôm có dây cước đục lỗ, 5 bộ đồ may chồng nhiều lớp có nhựa, chiếc bao và đôi găng tay cao su đã cắt các đầu ngón tay.
Từ thôn An Tây, chúng tôi phải đi bộ hơn 5km trên đồi cát để đến địa phận giáp tỉnh Quảng Ngãi. Nhìn xung quanh, chỉ có lác đác vài bụi cỏ dại, một chòi canh của người dân trồng dưa hấu. Vừa đặt các dụng cụ vào chòi, bà Tri nói: "Ốc bươu đen thường sinh sản vào mùa sen nở. Ở giữa đồi cát vàng này có đến 5 đầm sen bỏ hoang. Bốn năm trước, chúng tôi tình cờ phát hiện ra nơi này rồi bắt ốc bươu đen từ đó cho đến nay.
Những người phụ nữ dầm mình dưới bùn tanh hôi hơn 8 giờ để mò bắt ốc bươu đen.
Đi cùng bà Tri có chị Mai Thị Lan (42 tuổi) và chị Trần Thị Lệ (45 tuổi). Chị Lan cho biết, nghề bắt ốc bươu đen này đã nuôi lớn chị và các em chị. Tranh thủ lúc nông nhàn, chị lại đi bắt ốc bươu để kiếm thêm thu nhập cho gia đình và mua sách vở cho con cái.
Điều đặc biệt là ốc bươu đen chỉ sinh sản dưới đầm sen, các vùng trũng khác không có. Tại xã Tam Quang chỉ có khoảng 5 người theo nghề này. Loài ốc bươu đen được các nhà hàng thu mua với giá 40-60 ngàn/kg để chế biến thành đặc sản.
"Nếu trước đây mỗi ngày bắt được tầm 10kg thì bây giờ cố gắng mấy cũng chỉ bắt được 4-5kg thôi. Vì một số người biết đến loài này mang lại thu nhập khá nên đã nghĩ ra cách "mồi" mà không cần phải mò mẫm cực khổ như chúng tôi. Đây là mánh riêng của những người ở vùng khác nên chúng tôi không thể học theo được.", bà Tri nói.
Loài ốc bươu đen được dùng để chế biến thành đặc sản
Trời càng về trưa càng nắng nóng gay gắt. Giữa đầm lầy đen ngòm chỉ thấy mấy người phụ nữ đang dầm mình mò bắt ốc. Tôi lội theo để tìm hiểu thì nhận được cái lắc đầu kèm theo câu nói bà Tri vọng lại: "Ở trên bờ đó, đừng có xuống đầm. Muốn xuống thì mặc nhiều lớp quần áo vào rồi hãy xuống sau…".
Chị Lệ cho biết, do dầm mình dưới đầm có độ sâu hơn mét rất lạnh nên ai cũng phải mặc 5 đến 6 lớp quần áo để giữ ấm và phòng nguy hiểm trước các loài đỉa và rắn. Để bắt được ốc bươu đen, phải cắt hết các đầu ngón bao tay cao su rồi mới đeo vào tay để có cảm giác mò trúng ốc vừa để bảo vệ tay tránh các vật nhọn. Thau nhôm được nối với dây cước cột vào thắt lưng để khi mò được tới đâu sẽ bỏ ốc vào tới đó. Khi mò ốc, tất cả phải đi cùng một hướng và cùng tiến, không ai được đi trước vì sẽ làm nước đục.
Niềm vui của những người phụ nữ khi bắt được ốc bươu đen sau một ngày mệt nhọc
Tôi mon men đi sau bà Tri dõi theo đôi bàn tay thoăn thoắt, mắt nhìn quan sát đầy tò mò chờ đợi. Những con ốc bắt được to chừng nửa nắm tay hoặc bằng ngón chân trỏ. Ốc to được lựa riêng bán với giá 40-60 ngàn/kg, riêng ốc nhỏ bán 15 ngàn/kg.
Bà Tri tâm sự: "Theo nghề này từ khi còn nhỏ nên giờ tôi 'quen tay' mò mẫm. Trước kia, tôi phải cuốc bộ khắp các vùng ở huyện Núi Thành, tìm những đầm sen bỏ hoang để bắt ốc. Nhờ những con ốc bươu đen mà tôi nuôi được 6 người con ăn học, giờ các con đi làm, có vợ có chồng, ở riêng hết rồi. Những lúc rảnh rỗi, lo vụ lúa xong, tôi lại rủ các cháu cùng đi bắt ốc cho vui, kiếm thêm đồng lo cá mắm cho hai thân già".
Vết đỉa cắn khi bắt ốc
Vừa móm mém nhai trầu cho nóng người, bà Tri nói thêm, nghề mò ốc bươu đen cũng cực khổ và gặp nhiều nguy hiểm lắm chứ không như nhiều người nghĩ. Mỗi ngày phải dầm mình dưới bùn khoảng 8 tiếng nên người đi bắt ốc phải chịu lạnh giỏi, chịu được mùi bùn tanh hôi. Dầm mình lâu cũng ảnh hướng tới cột sống, sức khỏe phụ nữ.
"Cách đây không lâu, tôi đang mò ốc dưới đầm sen thì thấy con rắn quấn mình quanh cây sen trước mặt nhe nanh. Hoảng quá, tôi vùng mình chạy, làm đổ hết cả thau ốc dưới đầm. Lên đến bờ, mặt mũi vẫn còn xanh lét vì sợ. Có lần tôi dẫm phải mảnh chai vỡ khiến chân đau rát, máu chảy nhiều. May nhờ người đi cùng dùng vải quấn vết thương cầm máu rồi lê bộ về tới nhà nằm nhiều ngày liền, rồi lên cơn sốt…"
Còn chị Lệ thì không thể nào quên được giây phút mình mình sa chân vào nơi bùn sâu, nước ngập quá đầu. Chị vẫy tay đập nước thật mạnh để mọi người đang bắt ốc gần đó tới kéo chị lên. "Nếu khi ấy không có người tới cứu thì tôi đã chết thật rồi. Chị em sau đó khuyên bảo nhau không ra giữa đầm mò bắt nữa, chỉ quanh quẩn gần bờ, đi cùng để giúp đỡ nhau nếu có chuyện không may xảy ra." – chị Lệ kể.
Dẫu cực khổ, nguy hiểm vậy nhưng đây là nghề mang lại thu nhập khá nên bà Tri và nhiều người vẫn mạo hiểm kiếm tiền. Sau một ngày mò mẫm, mỗi người cũng được 3-4 kg ốc, lựa ra bán theo loại cũng được khoảng 200 ngàn. Đây là số tiền lớn đối với người dân quê nơi đây khi điều kiện sống còn rất khó khăn.
Nguồn:http://24h.com.vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét